Hai nữ sinh chết đuối khi đi cấy giúp gia đình
Hiện trường nơi hai chị em bị nước cuốn. Ảnh: Internet.
Tranh thủ thời gian được nghỉ Tết sớm, hai nữ sinh viên đang học ở Huế đi cấy giúp bố mẹ, không may ngã xuống sông và bị nước cuốn trôi.
Sự việc xảy ra sáng 26/1 tại sông Đào đoạn chảy qua xã Trung Thành (Yên Thành, Nghệ An). Hai chị em xấu số là Nguyễn Thị Thịnh (24 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (22 tuổi) ở xã Trung Thành.
Đến sáng 27/1, lực lượng chức năng mới tìm được thi thể của Thịnh, còn Phương vẫn chưa thấy tung tích.
Ông Nguyễn Viết Thuyên, bố của nạn nhân cho biết, cả hai chị em đều là sinh viên đại học ở Huế. Được về nghỉ Tết sớm, Thịnh và Phượng tranh thủ đi cấy giúp cha mẹ. Khi đèo nhau bằng xe máy trên đê, đường trơn nên cả hai bị ngã xuống sông và bị cuốn trôi. Xã Trung Thành và chính quyền huyện Yên Thành đang huy động lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân còn lại.
Sắp lấy vợ thì bị chết đuối
Bee.net.vn - Sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 26/1, anh Nguyễn Văn Vũ cùng anh Thông và anh Dương cùng thôn chèo thuyền qua hồ Tân Sơn để lên núi lấy gỗ. Không may đi đến giữa hồ, thuyền của anh Vũ gặp cơn gió to, hồ nổi sóng và đánh lật thuyền chở anh Vũ. Anh Dương và anh Thông do biết bơi nên đã thoát nạn, còn anh Vũ bị chìm xuống hồ.
Sau khi nhận được tin báo, gia đình anh Vũ đã báo cáo lên cơ quan công an xã Nghĩa Hưng, đồng thời mượn người dân có thuyền tổ chức tìm kiếm, chèo thuyền lấy dây thép gai để tìm xác. Nhưng đến hơn 2h chiều nay vẫn chưa tìm thấy xác anh Vũ.
Anh Nhân, cùng thôn với anh Vũ cho biết: “Hồ này sâu lắm, phải có đồ nhái mới lặn cứu được, tôi ở đây lâu năm nên nắm rõ hồ lắm. Từ khi con đập Tân Sơn được đắp thì nước dâng cao phải mười mấy mét. Tội nghiệp nó, sắp lấy vợ chỉ chờ Tết ra là cưới vậy mà…”.
Một quân nhân cứu 2 bé gái đuối nước
CAND Portal - Trên đường cùng đồng đội đi công tác ngang qua một hồ nước thuộc xã Kon Đào, huyện Đắk Tô, Kon Tum, Thiếu tá Phạm Trọng Thời (thuộc Đoàn Đắk Tô) phát hiện 2 em Quyên và Quỳnh đang giãy đạp giữa hồ nước sâu, sắp bị chết đuối. Không một phút lưỡng lự, Thiếu tá Thời đã lao ngay xuống hồ nước sâu và lạnh buốt lần lượt cứu 2 em lên bờ.
Ngày 26/1, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, cho biết: Sau khi được cấp cứu, điều trị, chăm sóc kịp thời, hai cháu Trần Hồng Quyên và Hồ Như Quỳnh đã xuất viện về nhà và đi học trở lại bình thường. Trước đó, vào lúc 10h ngày 23/1, cùng đồng đội sơ cấp cứu và đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô để chữa trị. Được biết, 2 em Quyên và Quỳnh, là học sinh lớp 4, cùng trú tại thôn 2, xã Kon Đào, trong lúc tan học mải chơi đã ngã xuống hồ nước
Tắm ao, ba học sinh lớp bốn chết đuối
Tiền Phong - Ngày 23-1, thi thể ba em học sinh lớp 4 là Trần Thị Thùy Trang, trú tại xã Tóc Tiên; Mai Thị Yến Linh và Nguyễn Thị Phương Thảo cùng trú tại xã Mỹ Xuân, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, đã được gia đình đưa từ bệnh viện về nhà làm lễ chôn cất.
Ngày 22-1, hai em học sinh lớp bốn là Linh, Mai tới nhà Trần Thị Thùy Trang chơi. Bố mẹ của Trang đi làm vắng, cả ba rủ nhau ra ao trong vườn nhà tắm. Do nước sâu và không biết bơi, cả ba hụt chân, kêu cứu. Một số công nhân ở gần đó nghe tiếng kêu cứu đã vượt rào vào tới nơi vớt ba em lên đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn.
Vì sao tỷ lệ trẻ em nông thôn chết đuối nhiều hơn thanh thị?
Báo Tin tức - Hôm qua (18/1), tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Tại 15 tỉnh có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao nhất của Việt Nam, tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước thời gian qua đã giảm rõ rệt.
Kết quả công bố tại hội nghị cho thấy ở Tiền Giang, năm 2009 có 175 trẻ tử vong do đuối nước, năm 2010 còn 25 em. Ở Bắc Giang, năm 2009 có 114 trẻ bị đuối nước, năm 2010 chỉ còn 24 trẻ. Ở Thái Bình, năm 2009 có 52 trẻ bị đuối nước, năm 2010 chỉ còn 33 trẻ bị đuối nước. Ở Thanh Hóa, năm 2009 có 53 trẻ tử vong do đuối nước, năm 2010 còn 33 trẻ.
Trước những tín hiệu tích cực trên, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Đó chỉ là những kết quả bước đầu. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước cho trẻ em nói riêng thời gian tới rất cần sự nỗ lực liên ngành và của toàn xã hội”.
Đuối nước (tai nạn do nước) vẫn là vấn đề nan giải trong số những loại hình tai nạn thương tích cho trẻ em ở thế giới nói chung, nhất là đối với những nước đang phát triển, những nơi có nhiều dân di cư. Vấn đề này càng quan trọng đối với Việt Nam, một đất nước có hơn 200.000 km sông ngòi và hơn 3.000 km bờ biển, đó là chưa kể đến các diện tích ao hồ, đầm, phá… Theo ông Nguyễn Trọng An, trẻ ở nông thôn chết đuối nhiều hơn trẻ thành thị.
Điều đáng chú ý là hầu hết các ca tử vong đều diễn ra trong các hoạt động hàng ngày và trẻ em nông thôn với sự quan tâm, chăm sóc không chặt chẽ như trẻ em thành phố là đối tượng có nguy cơ cao hơn cả.
Các đại biểu đều cho rằng: Môi trường sống kém an toàn là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đó là những hố nước trong khu vực công trình xây dựng, những giếng không có nắp đậy, ao, đầm không có hàng rào…
Cần sớm nhân rộng dạy trẻ học bơi
Nói về hậu quả của việc đuối nước đối với trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho biết: Đa phần các em bị đuối nước đều tử vong, nếu không tử vong cũng bị chết não hoặc bị tàn tật suốt đời. Các chuyên gia đều khuyến nghị việc dạy trẻ học bơi càng sớm càng tốt. “Việc thí điểm dạy bơi trong trường học cho trẻ em thời gian qua ở một số địa phương cũng đem lại hiệu quả tích cực và hoàn toàn có khả năng nhân rộng”, ông Nguyễn Trọng An cho biết.
Trong hơn 1 năm qua, với sự tài trợ của Tổ chức cứu trợ Hoàng gia Ôxtrâylia, thành phố Đà Nẵng đã triển khai chương trình này tại tất cả các trường học và rất được trẻ em, nhà trường và gia đình ủng hộ. Chương trình này còn tiếp tục khoảng 5 - 6 năm nữa. Kết quả từ việc thực hiện chương trình này cho thấy việc triển khai dạy bơi cho trẻ tại trường hoàn toàn khả thi với nhiều địa phương khác.
Xã hội hóa việc sử dụng và xây dựng bể bơi cũng là một cách lý tưởng để phổ cập dạy bơi cho trẻ. Với những trường học chưa trang bị được bể bơi, có thể bàn bạc, phối hợp với chính quyền thuê các bể bơi trên địa bàn. “Lên danh sách các bể bơi, phân chia thời gian sử dụng cho các trường học để đảm bảo học sinh các trường đều có nơi học bơi”, ông Nguyễn Trọng An đề xuất.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em và phòng chống đuối nước trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015.
Trong thời gian tới, theo bà Ngô Thị Minh, ủy ban sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ để phân công rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong công tác này, để góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị đuối nước nói riêng và cải thiện môi trường an toàn cho trẻ nói chung.
Việt Nam: Mỗi ngày, hơn 10 trẻ chết do đuối nước
Dân Việt - Tính trung bình, hàng ngày có hơn 10 trẻ chết do đuối nước. Tỷ lệ trẻ ở nông thôn bị chết do đuối nước cao gấp 3 lần so với thành thị. Đó là con số vừa được Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) công bố trong Hội thảo sơ kết 6 tháng thực hiện cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở 15 tỉnh, thành trong cả nước ngày 18-1.
Hiện mỗi năm VN có gần 3.000 trẻ bị tai nạn thương tích với 30 trẻ chết mỗi ngày. Tuy nhiên, số trẻ tử vong do đuối nước vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (49%) tổng số trẻ chết do tai nạn thương tích. Tính trung bình, hàng ngày có hơn 10 trẻ chết do đuối nước. Tỷ lệ trẻ ở nông thôn bị chết do đuối nước cao gấp 3 lần so với thành thị.
Hiện cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để giáo dục, bảo vệ trẻ, nhất là trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn.
Tìm thấy 2 nạn nhân cuối cùng trong vụ đắm đò
Zing - Sau 5 ngày xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, 2 nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm đò trên sông Lô đã được lực lượng cứu nạn tìm thấy.
Danh tích 2 nạn nhân gồm: Nguyễn Đình Chiểu, SN 1989, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc và La Thị Tám, SN 1978, xã An Tường, TP. Tuyên Quang.
Chiều ngày 16/1, thi thể 2 nạn nhân nói trên được tìm thấy tại khu vực Ghềnh Giềng, xã An Tường, huyện Yên Viễn, cách bến đò Đất, nơi xảy ra vụ đắm thuyền kinh hoàng khoảng hơn 1 km. Ngay sau khi được tìm thấy, các nạn nhân đã được bàn giao cho người nhà mang về quê mai táng.
Trước đó, vụ đắm đò trưa ngày 12/1 tại Bến Đất Phú Hưng, Thành phố Tuyên Quang, 13 người đã đi trên chuyến đò ngang qua sông. Đến giữa dòng, đò chìm, 4 người được cứu sống, 9 người bị chết.
Quảng Ngãi: Chìm tàu, 2 phụ nữ thiệt mạng
Người Lao Động - Khoảng 11 giờ 15 phút trưa 14-1, trên tuyến đường thủy nối đảo Bé với đảo Lớn (huyện Lý Sơn - Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ chìm tàu cá làm 2 người chết.
Vụ tai nạn cách đảo Lớn khoảng 2 hải lý. Nạn nhân là bà Trần Thị Trọng (42 tuổi, ở xã An Bình, huyện Lý Sơn) và bà Phạm Thị Thiện (45 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học số 2 An Vĩnh, huyện Lý Sơn). Tàu cá do ông Bùi Cao ở xã An Bình làm thuyền trưởng điều khiển chở hơn 30 hành khách, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng huyện Lý Sơn đã điều động một số tàu cá của ngư dân địa phương ra cứu nạn. Sau hơn 1 giờ vật lộn với sóng to gió lớn, trên 30 hành khách đã được đưa lên các tàu cứu hộ và chở vào đảo Lớn cấp cứu, trong đó có 2 người đã chết đuối.
Một số hành khách đi tàu cho biết sáng cùng ngày, do biển êm nên một số người dân sống tại đảo Bé đã đi tàu về đảo Lớn dự đám cưới người thân. Trên tàu còn có một số thầy cô công tác tại đảo Bé về thăm nhà tại đảo Lớn. Các ngành chức năng của huyện Lý Sơn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Đây là vụ chìm tàu chở khách thứ 2 trong vòng hơn 2 tháng qua trên tuyến đường thủy ở huyện đảo Lý Sơn.
Đắm thuyền: 8 người chết và mất tích
SGGP - Vào khoảng 12 giờ ngày 12-1, tại khu vực sông Lô thuộc tổ 22 phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra một vụ đắm thuyền kinh hoàng. Trên thuyền có 13 người đang trên đường từ bờ phải sông Lô sang bờ trái để thăm người nhà, khi đến giữa dòng sông thì thuyền bị đắm.
Đến 17 giờ, đã có 7 người được tìm thấy, tuy nhiên có 2 người đã chết là La Thị Chúc, quê tỉnh Vĩnh Phúc và cháu Hà Thị Ngọc, 5 tuổi, trú tại TP Tuyên Quang, là con anh Hà Văn Bình - người điều khiển thuyền. 6 người mất tích đang được các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang tích cực tìm kiếm. Hiện nay, TP đã hỗ trợ nạn nhân chết có hộ khẩu trên địa bàn với mức 4,5 triệu đồng/người; nạn nhân không thuộc địa bàn 3 triệu đồng/người.