Cập nhật lúc 22/02/2011 10:53:03
Giữ mãi cánh cò trắng...
Theo truyền thuyết của nhiều nước châu Âu, cò trắng là loài mang trẻ em đến cho từng gia đình và bảo vệ ngôi nhà khỏi bị cháy. Hầu như người dân phương Tây nào cũng yêu quý hình ảnh lũ cò và những chiếc tổ to sù của chúng - có chiếc sâu đến 3m và có hàng trăm năm tuổi - trên mái nhà, tháp chuông nhà thờ và cột điện thoại.





Con cò bay lả, bay la...

Từ tháng Chín đến tháng Ba năm sau, trên khắp khu vực Đông Âu và Trung Âu, hàng ngàn chiếc tổ cồng kềnh làm bằng cành cây, que, rác, giẻ rách và các thứ mảnh vụn khác nằm trống trơ trên mái nhà, tháp chuông, cột điện thoại và bất cứ vật gì mọc cao để có thể nhìn bao quát xuống đất.

Chướng mắt ư? Không hề, rất nhiều người châu Âu bảo thế. Những chiếc tổ này thuộc về lũ cò trắng (Ciconia ciconia) yêu quý của họ, những chú chim cao đến cả mét, có cặp chân trần dài ngoẵng và đôi mỏ nhọn. Peter Lovaszi, người phụ trách Chương trình Bảo vệ Cò trắng của cơ quan Birdlife ở Budapest (Hungary), cho biết: "Tôi nghĩ rằng cò trắng là loài chim hoang được yêu thích nhất tại một vài quốc gia châu Âu."

Những chiếc tổ cò cổ xưa nhất đã có hàng trăm năm tuổi. Chúng rộng hơn 2m và sâu 3m, là nơi sinh nở cho lũ cò khi bắt đầu trở về từ vùng đất di cư châu Phi xa xôi. Cò rất trung thành với chiếc tổ, vì thế mỗi năm chúng lại trở về đúng với "mái ấm" của mình. Cò trống thường trở về trước cò mái vài ngày để sửa sang lại tổ, sau đó chờ đợi "nàng" trở về.

Thỉnh thoảng lại có một vụ "đánh lộn" diễn ra ngay trên tổ. Loài cò thậm chí còn trung thành với chiếc tổ của mình hơn là với "người tình". Lovaszi cho biết: "Đôi khi, một con trống đến sau sẽ đánh đuổi con trống đến trước ra khỏi tổ. Nhưng con mái mặc kệ - nó cứ nằm yên trong tổ và sẽ cặp đôi với kẻ chiến thắng."

Nhiều người khi xây nhà đã tạo những khoảng không gian cần thiết trên mái nhà để tạo điều kiện cho đôi cò nào không có tổ đến xây dựng "mái ấm" ngay trên nhà mình. Theo Kai-Michael Thomsen, chuyên gia bảo tồn cò trắng thuộc Viện Michael-Otto (Birdlife Đức), người dân Đức rất thích có một chiếc tổ cò trắng ngay trên nóc nhà của mình. Theo truyền thuyết, cò trắng sẽ mang trẻ em đến cho gia đình và bảo vệ ngôi nhà khỏi bị cháy. Như vậy, khi trở về, cò trắng sẽ được đón chào với những vòng tay mở rộng, và nơi nào có mật độ tổ cò cao, nơi đấy sẽ thu hút được nhiều du khách!

Khi giấc mơ vắng bóng những cánh cò

Thế nhưng trong thế kỷ vừa qua, số lượng cò trắng đã giảm đi nhiều. Cho đến cuối những năm 1980, dân số loài cò đã sụt giảm một cách nghiêm trọng tại hầu hết các khu vực làm tổ. Theo Lovaszi, cò trắng đã làm tổ tại các thị trấn và nông trại hàng thế kỷ nay, có lẽ vì chúng nghĩ rằng sống gần con người sẽ có lợi cho chúng. Tuy nhiên, ông không biết đích xác nguyên nhân vì sao lại thế. Một trong những lý do thuyết phục nhất là tại các trang trại và vùng nông thôn quanh đấy thường có nhiều chuột, rắn, thằn lằn, cóc, côn trùng và nhiều loại mồi làm thức ăn cho cò. Thomsen cho biết: "Cò trắng cần có các đồng cỏ mở (hoặc nửa mở) để kiếm ăn. Tại Trung Âu, chúng chỉ tìm thấy những đồng cỏ nhân tạo mà thôi, vì vậy cò trắng chỉ sử dụng cảnh quan nhân tạo. Còn tại nhiều nơi trên đất nước Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, cò vẫn làm tổ trên cây và vách đá."

... cho giấc mơ trẻ thơ

Ngày nay, số phận của lũ cò trắng trên thế giới đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết vì bị mất môi trường sống, vì con người tăng cường hoạt động nông nghiệp và vì các thành phố đang phình ra. Nhiều gia đình nhà cò giờ đây phải làm tổ trên đỉnh cột điện và bị điện giật chết khi tổ rơi xuống dây điện. Theo Lovaszi, một trong những biến đổi quan trọng ở Hungary là sự sụt giảm nghề truyền thống nuôi cừu và gia súc, mặc dù rất nhiều đồng cỏ đã được tạo ra. Hoạt động chăn nuôi gia súc giờ đây không còn mang lại lợi nhuận nữa, vì thế không gây được sức hút đối với lớp trẻ.

Vì không còn nhiều gia súc, cỏ mọc cao hơn và do vậy cò rất khó nhìn thấy con mồi. Lovaszi lưu ý rằng, nếu không có tác động bón của phân gia súc, hệ sinh thái sẽ không được cân bằng vì số lượng côn trùng ít đi, khiến cho cò thiếu hẳn nguồn thức ăn.

Bảo vệ những cánh cò

Để bảo vệ cò trắng và tạo điều kiện cho dân số loài cò phục hồi, giờ đây giới bảo tồn đang làm việc với các công ty điện để xây dựng chỗ đựng tổ nhằm neo chặt tổ cò vào cột điện. Bên cạnh đấy, họ còn cố gắng bảo vệ môi trường sống tự nhiên của cò, chẳng hạn như vùng đầm lầy. Karin Johst, nhà mô hình sinh thái thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường UFZ tại Leipzig (Đức), đang tìm cách nâng cao cơ hội kiếm săn của cò trắng trong các khu vực nông nghiệp. Cô cho biết: Thiếu thức ăn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chim non bị chết.

Johst phát hiện rằng cò con có cơ hội sống cao hơn nếu bố mẹ chúng kiếm ăn trong những khu vực mà đồng cỏ được cắt xén theo nhiều mảng trong suốt mùa sinh sản, chứ không phải là cắt sạch một lần như nông dân thường làm. Johst giải thích: "Cắt cỏ làm nhiều lần sẽ tạo ra các mảng săn mồi chất lượng cao trong suốt mùa sinh sản chứ không phải chỉ trong những giai đoạn ngắn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là đối với nông dân, phương pháp cắt cỏ cũ lại hiệu quả hơn rất nhiều. Vì vậy, để nông dân chuyển sang cách cắt cỏ mới, chính phủ phải có chương trình trợ cấp nhằm phục vụ mục đích bảo tồn cò."

Ngày nay, nhờ có nỗ lực của các nhà bảo tồn cò trắng trên khắp châu Âu, dân số loài cò đang ổn định dần và có dấu hiệu phục hồi tại một số vùng. Theo số liệu tổng điều tra dân số cò trắng năm 1994-1995, lũ cò đã tăng lên tới 166.000 đôi trong tuổi sinh sản, trong lúc năm 1984 chỉ có khoảng 135.000 đôi. Cuộc tổng điều tra năm 2004-2005 vẫn đang được tiến hành, hy vọng sẽ thu được con số tươi đẹp hơn.
 
Nguồn: Sưu tầm từ Internet 
 
 
 
 
CÁC TIN KHÁC
Con cò bé bé... (24/07/2010)