1 tuần trôi qua nhanh quá, hôm nay đã là chiều Chủ nhật. Trong văn phòng, Thám tử Cò trắng đang cùng các bạn nhỏ tổng kết công việc tuần qua. Vừa hay anh sinh viên mang tập ảnh chụp hôm ngoại khóa tới, vậy là mọi người cùng xúm vào xem và bàn luận, văn phòng nhộn nhịp hẳn lên.
- Anh Cò trắng ơi, sao ở đây mọi người lại ngồi xé vụn giấy thế ạ? Thế này thì còn gọi gì là bảo vệ môi trường? Thế này là xả rác ra môi trường chứ! Tý nhăn mặt ra chừng khó chịu.
Nhìn Tý, Cò trắng bật cười. Mới hôm nào anh còn giảng cho đám nhóc này nghe về bảo vệ môi trường, về thực hành tiết kiệm..., thế mà giờ đây cậu trò nhỏ đã biết vặn hỏi về những hành động mà cậu cho là không tốt đối với môi trường. Sự bực tức đối với những điều xấu toát lên từ gương mặt trẻ thơ mới đáng yêu làm sao!
- Không phải đâu, đấy là trò chơi tái chế giấy mà anh vừa hướng dẫn đấy. Nó là mô hình thu nhỏ của quy trình tái chế giấy trong nhà máy đó em.
- Trò chơi tái chế giấy ạ? Tái chế giấy mà lại xé vụn giấy ra thế này, phí quá. Để em mang đi nộp kế hoạch nhỏ ở trường còn hơn!
- Tý ơi, giấy em nộp kế hoạch nhỏ ở trường cũng là để đem đi tái chế đấy. Muốn cùng anh chơi trò tái chế giấy không?
- A, có… Được chơi, được chơi! Thích quá! Thích quá! Tý, Tèo, Kèo, Cột hô vang.
Vậy là Thám tử Cò trắng lấy “đồ nghề” của mình ra để hướng dẫn. Gọi là đồ nghề cho oai, chứ để dựng lại mô hình tái chế giấy, chỉ cần 1 cái khuôn làm giấy có lưới thép như cái rây, to bằng tờ giấy A4, 2-3 tờ báo cũ, 1 máy xay sinh tố, 1 xô nước, 1 cái khay để đặt khuôn làm giấy vào; cùng 1 ít bột mỳ, hay bột sắn, bột gạo làm chất kết dính. Ngoài ra cần thêm kéo, giấy màu để tạo một bức tranh từ tờ giấy mà mình sắp “sản xuất” ra. Trò chơi này khá đơn giản, có thể chơi tập thể nên được các em nhỏ rất yêu thích trong giờ học ngoại khóa.
- Đầu tiên là xé nhỏ báo ra phải không anh? Giống như trong ảnh ý! Tý nhanh nhảu.
- Ừ, xé càng nhỏ càng tốt, rồi ngâm vào chậu nước một lúc cho giấy mềm ra. Rồi ta cho cả nước và giấy vụn vào máy xay, xay cho thật nhuyễn. Nhớ khi xay phải cho nhiều nước để khỏi hỏng máy xay và phải thật cẩn thận kẻo bị điện giật nhé. Đấy là nhuyễn rồi đấy.
- Ôi giờ giấy biến thành bột lỏng và màu xam xám giống như món mắm tôm vẫn được bán ngoài chợ ý. - Kèo xem chừng có kinh nghiệm về mấy thứ ăn uống buông lời bình phẩm. Giờ làm gì tiếp với hỗn hợp này hả anh?
- Ta thêm chút bột mỳ vào và khuấy cho đều, thế là đã có bột giấy để làm giấy. Tý lấy khuôn đặt vào khay đi, rồi từ từ rót bột giấy vào khuôn. Thế, thế, đúng rồi, đúng rồi.
- A, nước chảy qua lưới, chỉ còn lại bột giấy nằm trên khuôn.
- Tý phải lắc nhẹ khuôn cho bột giấy rải đều, rồi lấy khăn vải thấm bớt nước đi, rồi đổ ra một miếng bìa hay vải lót để phơi nắng là anh em mình đã có một tờ giấy mới đấy. Muốn cho tờ giấy phẳng, săn chắc, ta có thể dùng một que gỗ tròn lăn qua lăn lại trước khi phơi.
- Ôi, thế còn kéo, giấy màu? – Cái Tèo rất giỏi thủ công nên trông thấy mấy thứ này là ngứa chân ngứa tay lắm.
- À, trước khi ép phẳng, có thể cắt giấy màu đặt lên trang trí, là ta có ngay một bức tranh được tạo ra từ giấy tái chế. Tý nữa làm tờ mới thì Tèo cắt dán nhé.
- Nhưng tranh gì mà giấy đen xì. Em chẳng thích đâu. Cả tờ báo mới được mấy trang giấy thế này, lại tốn nước, tốn điện, không tiết kiệm gì cả.
- Muốn giấy trắng thì cần phải tẩy trắng nữa. Tý biết không, trong công nghiệp, các cô chú công nhân dùng rất nhiều gỗ, tre, nữa để sản xuất giấy cho chúng ta dùng. Cao cấp nhất là giấy viết của các em, rồi đến giấy in sách, in báo, giấy bọc, … Sách vở, sách giáo khoa và các sản phẩm từ giấy sau khi dùng sẽ được thu gom để tái chế theo cách này.
- A, em biết rồi, tái chế giấy thì ít phải chặt gỗ, phá rừng hơn anh nhỉ? Cột giờ mới lên tiếng
- Hoan hô Cột! Hoan hô các em! Đây là mục đích quan trọng nhất của việc tái chế giấy đó em. Không chỉ tiết kiệm điện, nước, hoá chất mà còn bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ Trái đất!
- Hay quá anh nhỉ. Anh ơi, bao giờ anh cùng các anh chị sinh viên mới đến trường em ngoại khóa? Bọn em mong mãi!
- Các em yên tâm, Thám tử Cò trắng nhất định sẽ đến thật nhiều trường học, cùng học cùng chơi với các em. Anh hứa đấy.
Lê Hồng Diệu Linh